1. Mẹ bầu có cổ tử cung ngắn khi mang thai có sao không
Phụ nữ có thai khi bị cổ tử cung ngắn phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe sinh sản tiềm ẩn, đặc biệt là sinh non. Cổ tử cung ngắn hơn bình thường (dưới 2,5 cm) có khả năng không đủ mạnh để giữ thai nhi trong tử cung đến đủ tháng, dẫn đến nguy cơ chuyển dạ sớm.
Sinh non chính là mối lo chính khi cổ tử cung ngắn. Cổ tử cung có vai trò quan trọng trong việc giữ cho bào thai phát triển an toàn bên trong tử cung cho đến khi thai kỳ đủ tháng. Khi cổ tử cung quá ngắn, nó có thể mở ra sớm hơn dự định, khiến mẹ bầu có khả năng sinh non trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển hoàn thiện của thai nhi, có thể gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng cho trẻ sau khi sinh, như khó thở, suy giảm hệ miễn dịch, hoặc các vấn đề về phát triển trí tuệ.
Bên cạnh đó còn có một nguy cơ khác mà mẹ bầu có cổ tử cung ngắn gặp phải là sảy thai muộn. Tình trạng cổ tử cung mở ra sớm có thể xảy ra trước khi thai nhi đạt đủ tuần tuổi để sống ngoài tử cung, dẫn đến việc mất thai.
Tuy nhiên các mom cũng đừng nên quá lo lắng vì không phải trường hợp nào bị ngắn cổ tử cung đều dẫn đến biến chứng. Nếu như có cách can thiệp y tế kịp thời, những hậu quả hoàn toàn có thể được ngăn chặn.
Cổ tử cung ngắn
2. Nguyên nhân cổ tử cung ngắn khi mang thai
Cổ tử cung ngắn khi mang thai có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, những tựu chung lại đều làm ảnh hưởng đến khả năng giữ thai đủ tháng và làm tăng nguy cơ sinh non. Một số nguyên nhân chính dẫn đến cổ tử cung bị ngắn có thể kể đến dưới đây.
- Yếu tố bẩm sinh là yếu tố có thể kể đến đầu tiên. Một số bà mẹ có cổ tử cung ngắn bẩm sinh do cấu trúc giải phẫu tự nhiên. Tuy rằng việc này không ảnh hưởng đến sức khỏe tự nhiên và sinh hoạt hàng ngày của mẹ, nhưng trong quá trình mang thai nó sẽ trở thành vấn đề phức tạp.
- Các can thiệp như sinh thiết nón hoặc thủ thuật cắt bỏ cổ tử cung từ trước đó để điều trị các bất thường tế bào cổ tử cung có thể làm ngắn hoặc làm suy yếu cổ tử cung, dẫn đến khó khăn trong việc giữ thai.
- Các mẹ đã có tiền sử sinh non trước đó có nguy cơ cao hơn bị cổ tử cung ngắn trong các lần mang thai sau, do cổ tử cung đã từng bị giãn sớm hơn bình thường.
- Cổ tử cung yếu, không đủ mạnh để duy trì thai nhi đến đủ tháng, khiến nó dần mở ra trước khi thai kỳ hoàn tất. Điều này có thể làm cổ tử cung ngắn hơn so với tiêu chuẩn.
- Ngoài ra, khi mang thai nhiều thai, áp lực từ các bào thai lên cổ tử cung có thể lớn hơn, dẫn đến việc cổ tử cung ngắn hơn và có khả năng mở ra sớm hơn.
3. Biểu hiện của cổ tử cung bị ngắn khi mang thai
Cổ tử cung ngắn là một tình trạng khó có thể xác định rõ ràng cho đến khi thực hiện chẩn đoán qua siêu âm. Tuy nhiên, khi vào thai kỳ, các mẹ có thể nhận diện được thông qua một số triệu chứng điển hình sau, đặc biệt trong giai đoạn giữa thai kỳ.
- Mẹ bầu có thể cảm thấy đau hoặc căng ở vùng bụng dưới hoặc lưng dưới. Đây là dấu hiệu phổ biến khi cổ tử cung bắt đầu mở hoặc trở nên yếu đi.
- Một số bà mẹ cảm thấy áp lực hoặc nặng nề trong khu vực vùng chậu, đặc biệt là khi đi lại hoặc đứng lâu. Áp lực này có thể là do thai nhi đè lên cổ tử cung và gây ra tình trạng giãn nở cổ tử cung sớm.
- Sự gia tăng lượng dịch tiết âm đạo hoặc thay đổi tính chất của dịch như trở nên loãng hơn hoặc có màu khác thường hoàn toàn có thể là dấu hiệu của việc cổ tử cung đang bị mở rộng so với bình thường.
- Một số mẹ bầu có thể trải qua các cơn co thắt tử cung không đau hoặc cảm giác khó chịu nhẹ, nhưng những cơn co này không đủ mạnh để báo hiệu chuyển dạ. Điều này có thể là biểu hiện sớm của cổ tử cung ngắn.
- Trong một số trường hợp, mẹ bầu có thể bị ra máu âm đạo nhẹ. Dấu hiệu này cần được kiểm tra ngay lập tức để loại trừ các biến chứng.
Một số biểu hiện của cổ tử cung ngắn
4. Tìm hiểu 3 cách giữ thai khi cổ tử cung ngắn hiện đại nhất hiện nay
Ngày nay với y học hiện đại, sau khi phát hiện ra chứng ngắn cổ tử cung, mẹ bầu hoàn toàn có thể có cho mình nhiều liệu pháp điều trị tình trạng này để ngăn biến chứng nặng nề có thể xảy ra. Sau khi xác định chính xác thông qua biện pháp siêu âm, tùy vào tình trạng cổ tử cung mà các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về các liệu pháp khác nhau.
Xem thêm: SA TỬ CUNG SAU SINH: DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ
Nắm rõ cách giữ thai khi cổ tử cung ngắn
4.1. Liệu pháp progesterone
Liệu pháp progesterone là một trong những phương pháp phổ biến để điều trị cổ tử cung ngắn khi mang thai, nhằm ngăn ngừa sinh non. Progesterone là một hormone tự nhiên do cơ thể phụ nữ sản xuất, có vai trò quan trọng trong việc duy trì thai kỳ. Khi được sử dụng dưới dạng liệu pháp, progesterone giúp cổ tử cung duy trì độ dài và ổn định, giảm nguy cơ giãn nở sớm.
Cơ chế hoạt động: Progesterone làm giảm viêm và ngăn chặn quá trình giãn nở cổ tử cung bằng cách ức chế hoạt động của các chất kích thích tử cung. Nó cũng giúp làm mềm và ổn định niêm mạc tử cung, tạo môi trường thuận lợi cho thai nhi phát triển mà không gây áp lực lên cổ tử cung. Khi cổ tử cung được bảo vệ khỏi những tác động kích thích, nguy cơ mở cổ tử cung sớm sẽ giảm đi đáng kể.
Hình thức sử dụng:
- Viên đặt âm đạo: Thường được sử dụng cho phụ nữ có cổ tử cung ngắn hoặc có nguy cơ sinh non cao. Viên đặt trực tiếp tại cổ tử cung giúp hormone thấm vào vùng cần thiết.
- Tiêm progesterone: Thường tiêm vào vùng mông hoặc đùi. Phương pháp này thường áp dụng cho những trường hợp có tiền sử sinh non hoặc những người không phù hợp với viên đặt âm đạo.
Hiệu quả: Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng liệu pháp progesterone có thể giảm 30-50% nguy cơ sinh non ở phụ nữ có cổ tử cung ngắn, đặc biệt nếu được bắt đầu điều trị từ tuần thứ 16 đến 24 của thai kỳ.
4.2. Cách giữ thai khi cổ tử cung ngắn dùng vòng nâng cổ tử cung Arabin
Vòng nâng cổ tử cung Arabin là một phương pháp giúp ngăn ngừa sinh non ở những mẹ bầu có cổ tử cung ngắn. Vòng nâng này có tác dụng giảm áp lực của thai nhi lên cổ tử cung, giúp giữ thai an toàn cho đến khi thai kỳ đạt đủ tháng. Vòng nâng cổ tử cung Arabin là một thiết bị nhỏ bằng silicone, có hình dạng giống như một chiếc vòng, được đặt vào âm đạo để bao quanh cổ tử cung.
- Giảm áp lực lên cổ tử cung: Khi mang thai, trọng lượng của thai nhi và nước ối gây áp lực lớn lên cổ tử cung, đặc biệt trong những trường hợp cổ tử cung ngắn. Vòng nâng Arabin giúp nâng tử cung lên và giảm trọng lực trực tiếp lên cổ tử cung, hạn chế tình trạng cổ tử cung mở sớm.
- Thay đổi góc tử cung: Vòng Arabin giúp thay đổi góc giữa tử cung và cổ tử cung, làm giảm áp lực của thai nhi lên cổ tử cung, từ đó giúp giữ cổ tử cung đóng lâu hơn.
- Giữ ổn định cổ tử cung: Thiết bị này tạo ra sự ổn định cho cổ tử cung, giúp ngăn chặn sự giãn nở quá sớm.
Thông thường, việc đặt vòng diễn ra khi mẹ bầu mang thai từ tuần 16 đến 24, khi nguy cơ sinh non được xác định. Trong quá trình đặt vòng, tình trạng cổ tử cung của mẹ nên được theo dõi sát sao. Vòng nâng thường được tháo ra khoảng tuần 36-37 của thai kỳ, khi thai nhi đã đủ lớn và nguy cơ sinh non giảm xuống.
4.3. Khâu cổ tử cung
Phương pháp khâu cổ tử cung là một thủ thuật y khoa được thực hiện để ngăn ngừa sinh non ở những phụ nữ có cổ tử cung ngắn hoặc yếu. Thủ thuật này giúp giữ cổ tử cung đóng lại trong suốt thời gian thai kỳ, đặc biệt là ở những mẹ bầu có nguy cơ cổ tử cung mở sớm, dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non. Một số phương pháp khâu cổ tử cung phổ biến như sau.
- Khâu cổ tử cung qua âm đạo hay còn gọi là transvaginal cerclage: Đây là phương pháp phổ biến nhất, được thực hiện qua âm đạo. Bác sĩ sử dụng chỉ khâu để đóng cổ tử cung lại. Thủ thuật này thường được tiến hành trong khoảng tuần 12 đến 14 của thai kỳ, sau khi siêu âm xác định nguy cơ sinh non.
- Khâu cổ tử cung qua bụng hay transabdominal cerclage: Phương pháp này được sử dụng khi khâu qua âm đạo không hiệu quả hoặc không thể thực hiện. Khâu qua bụng yêu cầu phẫu thuật mổ bụng nhỏ để tiếp cận cổ tử cung. Đây thường là phương án cuối cùng khi các thủ thuật khác không hiệu quả.
Sau khi khâu, mẹ bầu cần được theo dõi thường xuyên để đảm bảo rằng cổ tử cung không mở và chỉ khâu vẫn giữ vững. Bác sĩ sẽ hướng dẫn về chế độ sinh hoạt để tránh các hoạt động gây áp lực lên cổ tử cung. Chỉ có thể được tháo ra bình thường ở tuần thứ 37-38 của thai kỳ, trước khi mẹ bầu bắt đầu chuyển dạ.
5. Những lưu ý khi sử dụng những cách giữ thai khi cổ tử cung ngắn
Các mẹ nên có một số lưu ý chung như sau:
- Theo dõi y tế thường xuyên.
- Không tự ý vận động mạnh hoặc thay đổi lối sống mà không có sự đồng ý của bác sĩ, để tránh gây áp lực lên cổ tử cung.
- Hạn chế các hoạt động thể lực nặng như nâng vật nặng, đứng lâu hoặc tập thể dục quá sức. Điều này có thể gây áp lực lên cổ tử cung, dẫn đến nguy cơ sinh non.
Đối với riêng các phương pháp, như khi sử dụng vòng nâng cổ tử cung Arabin, các mom cần chú ý vòng nâng cần được giữ sạch sẽ để tránh nhiễm trùng âm đạo. Mẹ bầu nên thực hiện vệ sinh vùng kín đúng cách và nhẹ nhàng, tránh sử dụng các chất tẩy rửa mạnh. Bên cạnh đó quan hệ tình dục có thể khiến vòng nâng bị lệch, mất hiệu quả sử dụng.
Với phương pháp khâu cổ tử cung, mẹ bầu cần theo dõi xem có chảy máu âm đạo hoặc co thắt tử cung không. Nếu có dấu hiệu bất thường, cần đi khám ngay lập tức. Bên cạnh đó, sau khi khâu, các mom nên nghỉ ngơi tối thiểu 24-48 giờ và tránh các hoạt động gắng sức trong thời gian dài để tránh làm căng vùng cổ tử cung.
Xem thêm: NHỮNG MỐC LỊCH KHÁM THAI ĐỊNH KỲ MÀ MẸ BẦU KHÔNG NÊN BỎ LỠ
Lưu ý quan trọng
Kết luận
Trong quá trình mang thai, việc giữ thai an toàn cho mẹ bầu có cổ tử cung ngắn là rất quan trọng để giảm nguy cơ sinh non. Việc phát hiện sớm không chỉ giúp ích cho quá trình điều trị dễ dàng và kịp thời, mà còn hạn chế đi nguy cơ tiềm ẩn đến sức khỏe của thai nhi. CafeMom hy vọng thông qua bài viết trên, các mẹ sẽ có thêm nhiều kiến thức để chăm sóc sức khỏe và đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh hơn. Hẹn gặp lại trong những bài viết bổ ích sau.