TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ LÀ GÌ? DẤU HIỆU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ DỨT ĐIỂM

Tiểu đường thai kỳ là một triệu chứng có thể gặp phải trong quá trình thai kỳ của phụ nữ. Tình trạng này xảy ra khi đường huyết trong cơ thể thai phụ tăng cao bất thường. Nếu như không giải quyết kịp thời, tiểu đường có thể gây ra rất nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và bé. Trong bài viết này, hãy cùng Cafe Mom tìm hiểu về chứng tiểu đường thai kỳ bao gồm bản chất, nguyên nhân, cách phòng tránh và khắc phục nhé.

1. Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ hay còn gọi với thuật ngữ gestational diabetes là tình trạng đường huyết tăng cao bất thường trong thời gian mang thai. Đường huyết của người trưởng thành bình thường giữ ở mức < 140 mg/dL (7,8 mmol/l) và khi bị tiểu đường thì con số này sẽ vượt quá 140. Đối với bà bầu, bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn từ tuần 24 đến tuần 28 thai kỳ.

Tiểu đường thai kỳ khác hoàn toàn với tiểu đường type 1 hay type 2 vì bệnh xảy ra trên mẹ bầu là do ảnh hưởng của hormone trong khi mang thai lên quá trình điều tiết insulin chứ không phải trực tiếp do tuyến tụy suy yếu. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể biến chuyển rất nguy hiểm nếu như không phát hiện và xử lý kịp thời. Không chỉ sức khỏe của người mẹ mà cả thai nhi cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, có thể gây khó khăn khi sinh nở và các bệnh cho con sau sinh. Do vậy để kiểm soát được bệnh, các mẹ cần có cho mình hạng mục xét nghiệm chỉ số glucose trong máu (xét nghiệm tiểu đường thai kỳ) mỗi khi thăm khám định kỳ để có thể nắm rõ chỉ số này nhằm có biện pháp kiểm soát, can thiệp kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là gì?

2. Các triệu chứng tiểu đường thai kỳ

Thường không có dấu hiệu tiểu đường thai kỳ rõ rệt hoặc dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng bình thường trong thai kỳ. Tuy nhiên, một số bà bầu có thể gặp các vấn đề liên quan đến mức đường huyết cao, như khát nước thường xuyên và đi tiểu nhiều do cơ thể cần nhiều nước để loại bỏ đường dư thừa qua đường nước tiểu. Cơ thể mẹ cũng mệt mỏi hơn và thèm ăn nhiều do lượng glucose không được chuyển hóa thành năng lượng hiệu quả. Các dấu hiệu điển hình hơn của người bị tiểu đường như khô miệng, mờ mắt và sụt cân đột ngột cũng có thể xảy ra.

Do tiểu đường thai kỳ không có triệu chứng đặc trưng rõ ràng, các mẹ được khuyên nên kiểm tra lượng đường trong máu từ tuần 24 đến 28 của thai kỳ thông qua các bài xét nghiệm dung nạp glucose.

3. Nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ có thể bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau những chủ yếu lí do tiên quyết vẫn là sự thay đổi hormone trong cơ thể, dẫn đến khả năng sử dụng insulin.

  • Khi mang thai, nhau thai tiết ra nhiều loại hormone giúp duy trì và phát triển thai nhi, như estrogen, progesterone, và hormone tăng trưởng của nhau thai. Các hormone này làm giảm hiệu quả của insulin, khiến cơ thể mẹ khó kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Trong thai kỳ, cơ thể người mẹ cũng trở nên ít nhạy cảm hơn với insulin để đảm bảo lượng đường trong máu có thể cung cấp cho thai nhi. Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin để bù đắp, lượng đường trong máu sẽ tăng cao, dẫn đến tiểu đường thai kỳ. Ở một số phụ nữ, kháng insulin này vượt quá mức mà cơ thể có thể tự điều chỉnh, làm tăng đường huyết.
  • Yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò không nhỏ. Các nhà khoa học đã chứng minh việc khó chuyển hóa đường do việc rối loạn sản sinh insulin cũng có thể do gen quyết định.
  • Nguyên nhân lớn nhất và quan trọng nhất chính là tình trạng thừa cân béo phì và thiếu vận động cơ thể. Lượng mỡ lớn trong cơ thể cộng thêm việc thiếu cơ bắp ít vận động khiến cơ thể giảm độ nhạy với insulin.
  • Ngoài ra, mang thai khi độ tuổi trên 35 sẽ khiến có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao do khi đó cơ thể ít nhạy cảm với insulin hơn.
Nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ

Nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ

4. Đối tượng nào dễ mắc đái tháo đường thai kỳ?

Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể mắc tiểu đường thai kỳ trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, bạn sẽ có khả năng mắc cao hơn nếu như có những yếu tố sau:

  • Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn.
  • Chỉ số khối cơ thể BMI vượt quá 30 (BMI là công cụ đơn giản để tính toán thể trạng cơ thể dựa trên 2 chỉ số chính là cân nặng và chiều cao). Với BMI lớn hơn 30 có nghĩa là bạn đang bị thừa cân.
  • Thống kê cũng chỉ ra rằng nếu như mẹ bầu mang thai lần thứ 2 và lần đầu bé của bạn sinh ra có cân nặng từ 4.5Kg trở lên thì bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao hơn.
  • Ở lần mang thai trước nếu như bà bầu đã từng mắc bệnh thì những lần sau xác suất tái bệnh sẽ rất cao.
  • Tiền sử gia đình là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa đường của bạn. Nếu như trong gia đình có bố, mẹ hoặc anh chị em đã bị tiểu đường type 2 thì nguy cơ mắc phải tiểu đường thai kỳ của bạn cũng sẽ cao hơn bình thường.
  • Lối sống thiếu lành mạnh sẽ đem lại cho bạn rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực, trong đó có nguy cơ mắc tiểu đường. Khi mang thai, cơ thể dễ bị rối loạn hormone kèm theo thể trạng yếu, việc sinh hoạt ăn uống không khoa học không chỉ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường mà còn các chứng bệnh khác như tim mạch, thận,...

5. Biến chứng của đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường vốn là một chứng bệnh nguy hiểm đối với người bình thường, lại càng nguy hiểm hơn cho mẹ bầu nếu như không phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có thể tiến triển và xảy ra nhiều biến chứng rất phức tạp, ảnh hưởng đến bộ phận khác cũng như rất mất an toàn cho thai nhi trong bụng mẹ. Biến chứng phổ biến nhất của tiểu đường thai kỳ lên cơ thể người mẹ có thể kể đến như:

  • Nguy cơ tiền sản giật rất cao, gây nên tình trạng cao huyết áp, có thể ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu và dễ dẫn đến đột quỵ rất nguy hiểm.
  • Tăng khả năng phải sinh mổ do thai nhi có thể phát triển lớn hơn bình thường dẫn đến việc sinh thường có thể gặp khó khăn lớn.
  • Nguy cơ bệnh sẽ tiến triển lên thành tiểu đường type 2 sau khi sinh sẽ rất lớn nếu như không được kiểm soát.
  • Nếu như đã mắc tiểu đường thai kỳ thì chắc chắn khả năng mắc lại bệnh trong những lần mang thai kế tiếp sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó trẻ sơ sinh cũng có những ảnh hưởng do bệnh:

  • Trọng lượng lớn bất thường do bé hấp thu lượng đường nhiều hơn bình thường.
  • Lượng đường cao trong máu có thể kích hoạt sinh non, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe cho trẻ.
  • Sau khi sinh, do không còn liên kết với mẹ nên bé sẽ có nguy cơ “sốc đường”, hạ đường huyết trong máu do insulin sản sinh nhiều trong cơ thể bé.
  • Trẻ sinh ra cũng dễ mắc tiểu đường type 2 và béo phì bẩm sinh.
Tiểu đường thai kỳ có nhiều biến chứng nguy hiểm

Tiểu đường thai kỳ có nhiều biến chứng nguy hiểm

6. Phương pháp chẩn đoán và điều trị đái tháo đường thai kỳ như nào?

Do không có một triệu chứng đặc trưng rõ rệt nào của bệnh nên việc xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để tìm ra và chữa trị là một điều rất quan trọng. xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bao nhiêu tiền cũng là một câu hỏi được nhiều bà mẹ quan tâm. Hiện nay tại nhiều trung tâm y tế lớn thì chi phí cho mỗi lần xét nghiệm cũng chỉ dao động từ 300-500 nghìn đồng nên các mom hoàn toàn có thể an tâm về chi phí.

6.1 Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán

Để chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, bác sĩ thường sử dụng hai phương pháp xét nghiệm chính, thường được thực hiện vào tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ. Đây là thời điểm mà nguy cơ phát triển tiểu đường thai kỳ cao nhất.

Xét nghiệm dung nạp glucose thử nghiệm (Glucose Challenge Test - GCT) là bước đầu tiên để kiểm tra cách cơ thể xử lý glucose. Test bằng phương pháp này thì mẹ bầu cần uoogns một dung dịch có chứa 50g glucose, sau đó 1h bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để kiểm tra mức đường huyết. Nếu mức đường huyết sau 1 giờ cao hơn mức bình thường (thường là trên 130-140 mg/dL), bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm dung nạp glucose toàn phần để xác định chẩn đoán.

Xét nghiệm dung nạp glucose toàn phần (Oral Glucose Tolerance Test - OGTT) là xét nghiệm tiếp theo nếu kết quả của GCT cho thấy mức đường huyết cao. Đây là phương pháp chẩn đoán chính xác hơn. Trước khi làm test thì mẹ cần nhịn ăn 8 tiếng trước khi lấy mẫu. Khi đói bác sĩ sẽ lấy 1 mẫu máu trước để kiểm tra mức đường huyết rồi uống 75g hoặc 100g glucose. Mẫu máu tiếp theo được lấy sau khoảng 1-3 tiếng. Nếu mức đường huyết tại hai trong số các khoảng thời gian đo cao hơn giới hạn cho phép, người phụ nữ sẽ được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ. Giới hạn chuẩn thường như sau (cho dung dịch 100g glucose):

  • Lúc đói: dưới 95 mg/dL
  • Sau 1 giờ: dưới 180 mg/dL
  • Sau 2 giờ: dưới 155 mg/dL
  • Sau 3 giờ: dưới 140 mg/dL
Tuân thủ phác đồ điều trị

Tuân thủ phác đồ điều trị

6.2 Cách thức điều trị đái tháo đường thai kỳ hiệu quả

Khi bị chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ, bạn cần tuân thủ một số cách thức kiểm soát lại lượng đường trong máu. Việc tiên quyết là hãy tuân thủ lịch khám thai định kỳ và kế hoạch điều trị gồm:

  • Kiểm tra lượng đường trong máu để đảm bảo mức đường huyết của bạn nằm trong phạm vi an toàn bằng việc xét nghiệm định kỳ hoặc sử dụng các loại kit test nhanh.
  • Duy trì hoạt động thể chất giúp hạ đường huyết và tăng độ nhạy với insulin bằng những bài thể dục phù hợp với bà bầu như đi bộ, bơi, yoga,..
  • Ăn uống lành mạnh với lượng thức ăn và thời gian hợp lý. Tránh ăn uống vô độ, các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường.
  • Nếu việc ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất không đủ để kiểm soát đường huyết, bác sĩ có thể kê đơn insulin, metformin, hoặc các loại thuốc khác. Lưu ý rằng việc tiêm insulin hoàn toàn không gây nguy hiểm cho thai nhi, tuy nhiên việc này cần sự kiểm soát và kê đơn của bác sĩ.

Tiểu đường thai kỳ thường cũng không còn sau khi sinh, thế nhưng bạn vẫn nên cẩn thận kiểm tra đường huyết sau sinh khoảng 6-12 tuần để đảm bảo chắc chắn hơn.

Ăn uống lành mạnh

Ăn uống lành mạnh giúp phòng ngừa tiểu đường

6.3 Cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là bệnh có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó việc phòng ngừa bệnh là điều rất cần thiết.

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây tươi, cùng với đó là giảm lượng tinh bột tinh chế và thực phẩm có đường nạp vào cơ thể. Các loại thực phẩm xanh và giàu vitamin sẽ giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu và cắt giảm tinh bột sẽ giúp chỉ số đường huyết không bị tăng đột biến. Ngoài ra, chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp cơ thể duy trì mức đường trong máu ổn định.
  • Tập thể dục đều đặn bằng những bài tập vừa phải như yoga, đi bộ nhẹ hoặc bơi. Mỗi bài tập chỉ cần ít nhất 30 phút mỗi ngày nhưng cần duy trì đều đặn sẽ giúp bạn giảm tích tụ mỡ và chuyển hóa năng lượng hiệu quả.
  • Cân nặng là yếu tố cần kiểm soát chặt chẽ, tránh tăng cân quá mức trong quá trình mang thai, tuân thủ các khuyến nghị về tăng cân dựa trên chỉ số BMI trước khi mang thai.
  • Ngủ đủ giấc và giảm stress là điều rất quan trọng, vì căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hormone insulin và lượng đường trong máu.
  • Hạn chế đến mức tối đa sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,... vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến mức đường huyết trong cơ thể. Không những vậy, chất độc đến từ các chất kích thích còn ảnh hưởng rất xấu đến thai nhi.
  • Quan trọng nhất là bạn cần có lịch kiểm tra định kỳ và tuân thủ chúng.

Kết luận

Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ và bé. Do vậy việc tầm soát và điều trị đúng cách là vô cùng quan trọng. Trong bài viết trên, CafeMom đã cùng các mẹ tìm hiểu về bệnh cũng như hiểu được cách điều trị, phòng ngừa tiểu đường. Hi vọng với những điều trên, các mẹ sẽ có thêm kiến thức trong quá trình dưỡng thai và sinh nở của mình. Hẹn gặp lại trong những bài viết bổ ích sau.

Các bài viết cùng chủ đề
12 DẤU HIỆU MANG THAI THƯỜNG GẶP SAU TUẦN ĐẦU TIÊN
Hiện nay các mom thường sử dụng những cách như que thử thai, siêu âm… để biết chính xác có sự xuất hiện của thiên thần nhỏ hay khô...
NHỮNG ĐIỀU KIÊNG KỴ TRONG 3 THÁNG ĐẦU MANG THAI MẸ BẦU NÊN BIẾT
3 tháng đầu tiên của thai kỳ là khoảng thời gian rất quan trọng vì đây là lúc hầu hết những hệ cơ quan trong cơ thể thai nhi đang...
BÀ BẦU TRONG 3 THÁNG ĐẦU THAI KỲ NÊN ĂN GÌ ĐỂ THAI KHỎE MẠNH?
Khi đón tin vui và đón chờ thiên thần nhỏ sắp ra đời, không chỉ có niềm hạnh phúc mà còn có muôn vàn nỗi lo đến với cha mẹ. Một tr...

Đăng ký nhận tin